Tìm hiểu về thành phố Rạch Giá Kiên Giang

377
Thành phố Rạch Giá Kiên Giang

Thành phố Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang cách thành phố đảo du lịch Phú Quốc không xa. Tuy không có nhiều đảo đẹp và nổi bật du lịch như đảo ngọc Phú Quốc nhưng Rạch Giá lại nổi lên bởi kiến trúc đô thị hạ tầng. Nơi đây sở hữu những công trình lịch sử lâu đời, những đô thị mới nổi bật nhất miền tây sông nước. Với sự đa dạng về tôn giáo, Rạch Giá có những nét văn hóa khác biệt khiến du khách tò mò khám phá. Hãy cùng tìm hiểu xem thành phố Rạch Giá đổi mới có những gì thú vị qua bài viết dưới đây.

Rạch Giá ở đâu?

Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là một trong 4 đô thị trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ là đô thị lớn của vùng, là khu vực có nền kinh tế phát triển năng động của cả nước

Thành phố Rạch Giá có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc gồm 11 phường: An Bình, An Hòa, Rạch Sỏi, Vĩnh Bảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lạc, Vĩnh Lợi, Vĩnh Quang, Vĩnh Thanh, Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Thông và xã Phi Thông.

Vị trí địa lý của thành phố Rạch Giá

Phía Đông – Nam tiếp giáp huyện Châu Thành.
Phía Đông – Bắc tiếp giáp với huyện Tân Hiệp.
Phía Tây – Nam giáp vịnh Thái Lan có thể nhìn thấy các đảo gần, đảo xa. Gần tầm mắt nhất là đảo Hòn Tre (Hòn Rùa) thuộc huyện Kiên Hải nằm đối diện với cửa biển Rạch Giá.
Phía Tây – Bắc là cụm núi Ba Hòn: Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Sóc thuộc huyện Hòn Đất.

Tổng diện tích tự nhiên gần 105 km2, trong đó có khu lấn biển về phía Tây để mở rộng đô thị mới rộng 420 ha thuộc các phường Vĩnh Bảo, Vĩnh Lạc và An Hòa; khu lấn biển 16 ha thuộc phường Vĩnh Thanh Vân.

Thành phố Rạch Giá Kiên Giang

Về đường bộ

Từ trung tâm thành phố Rạch Giá cách thành phố Cần Thơ 120 km về phía Đông, cách thành phố Hồ Chí Minh 248 km về Đông – Bắc, cách thị xã Hà Tiên thuộc Kiên Giang 90 km về phía Tây – Bắc.

Về đường biển

Từ cửa biển Vịnh Thái Lan – Rạch Giá cách huyện đảo Phú Quốc trên 70 hải lý về hướng Tây. Cách thị trấn Hòn Tre trung tâm huyện đảo Kiên Hải khoảng 15 hải lý về hướng Tây – Nam.

Về đường hàng không

Du khách có thể đi từ sân bay Rạch Giá đến với Phú Quốc, thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.

Điều kiện tự nhiên của thành phố Rạch Giá

Điều kiện thời tiết

Thời tiết ở đây thể hiện rõ 2 mùa khô và mùa mưa. Hằng năm, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 11. Thông thường mưa từ 120 ngày đến 170 ngày/năm Mưa nhiều nhất vào thời kỳ gió Tây – Nam chiếm khoảng 90% đến 95% lượng mưa trong năm. Những cơn mưa lớn nhất có thể đạt vũ lượng trên 350 m.m vào khoảng tháng 7 và tháng 8 hàng năm.

Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 và kết thúc vào tháng 4 năm sau. Có 2 hướng gió chính là Đông – Nam và Tây – Nam vào mùa hạ, tốc độ gió trung bình 2,5 m/s.
Nhiệt độ cao nhất là 38 0C, nhiệt độ thấp nhất là 14,8 0C, nhiệt độ trung bình là 27,4 0C.

Ẩm độ: Cao nhất từ 93% đến 94%, thấp nhất từ 61% đến 62%, trung bình từ 80% đến 82%. Lượng nước bốc hơi trung bình từ 1.100 m.m đến 1.200 m.m.

Điều kiện tự nhiên

Do đặc điểm về điều kiện địa lý và tự nhiên, Vịnh Thái Lan – Rạch Giá là một miền biển trù phú, được biết đến xưa nay với kinh tế rất phong phú, đa dạng. Đó là thương mại-dịch vụ và du lịch, khai thác và chế biến hải sản. Rạch Giá cung cấp cho nhiều nơi trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Rạch Giá, tuy không có bãi cát, không có đảo, nhưng nếu du khách đến Rạch Giá bằng đường bộ, sau những cảnh quang mênh mông của ruộng lúa phì nhiêu ở các vùng phụ cận, du khách sẽ cảm nhận được hương vị của biển.

Vị trí thích hợp là dọc theo tuyến ven biển thuộc khu lấn biển 420 ha và khu 16 để ngắm nhìn ra biển vào buổi chiều sẽ thấy mặt trời hoàng hôn đỏ rực về phía biển Tây. Xa xa lô nhô những đảo lớn nhỏ ẩn hiện trên nền xanh của biển. Những tàu đánh cá lướt sóng chập chùng. Những vạt cây rừng của vùng ngập mặn xanh ngát ven bờ…

Tất cả hòa trộn nên cảnh sắc “Hoàng hôn biển Tây” thơ mộng và quang cảnh đặc trưng của Rạch Giá trong quần thể vùng đất Biển – Đảo Kiên Giang.

Rạch Giá vị trí địa lý

Lịch sử hình thành Thành Phố Rạch Giá

Theo khẩu truyền, có tên gọi Rạch Giá vì xưa kia nơi đây có rừng cây Giá mọc theo ven biển, có một lạch nước chảy ngang qua ra biển. Theo sách Gia Định thành thông chí: Lạch Giá có tên chữ thường gọi là Giá Khê.

Ngoài ra, còn gọi là Giá Đà, Sái Phu…Tương truyền xưa, khu rừng cây giá này rất nhiều ong mật đóng ổ, người “ăn” ong cạo mật bỏ tàng ong, sáp trắng trôi đầy sông, từ đó người Khmer mới gọi là chợ Kramuol-so (sáp ong màu trắng).

Năm 1739

Mạc Thiên Tứ lập ra huyện Kiên Giang, đặt trấn lỵ tại đây. Trong Đại Nam nhất thống chí, mục “Thành Trì” có ghi: “Huyện nảo (đồn canh của huyện) Kiên Giang mặt trước dài 19 trượng 2 thước, bề ngang dài 12 trượng 6 thước, ở địa phận xã Vân Tập, vào năm Thiệu Trị nguyên niên 1841.

Năm 1867

Khi chiếm được tỉnh Hà Tiên (một tỉnh của Nam Kỳ lục tỉnh) giặc Pháp đã lập một đồn binh ngay vàm sông Rạch Giá, gọi là đồn Kiên Giang.

Lúc đó đồn đắp bằng đất, lợp lá; về sau được sửa lại kiên cố bằng đá xây, nằm sau Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, hiện nay đã san bằng. Cùng thời điểm này, thực dân Pháp đã thành lập hạt lỵ thuộc quản hạt Rạch Giá.

Năm 1900

Đổi thành tỉnh lỵ, thuộc tỉnh Rạch Giá.

Năm 1976

Đổi thành thị xã Rạch Giá, thuộc tỉnh Kiên Giang.

Năm 2005

Thành phố Rạch Giá được thành lập theo Nghị đình số 97/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ với 11 đơn vị hành chính cấp phường và 1 xã. Đó là phường Vĩnh Quang, Vĩnh Thanh, Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Bảo, Vĩnh Lạc, An Hòa, An Bình, Rạch Sỏi, Vĩnh Lợi, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thông và xã Phi Thông.

Ngày 29/8/2005, Rạch Giá tổ chức lễ công bố Nghị định số 97/2005/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập thành phố Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang. Đồng thời chính thức chuyển tất cả các hoạt động cho phù hợp với quy mô cấp thành phố.

Những địa điểm lịch sử

Toàn thành phố có 43 cơ sở thờ tự được nhà nước công nhận. Trong đó có các đình, chùa được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận “Di tích Lịch sử Văn hóa – Kiến trúc”. Nổi tiếng như: Chùa Tam Bảo, Phật Lớn, Láng Cát, Quan Đế, đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, đình Vĩnh Hòa… Đây còn được xem là điểm đến hấp dẫn của khách tham quan du lịch.

Chợ Sái Phu

Chợ Sái Phu ở huyện Kiên Giang, tục danh là chợ Lạch Giá, phố xá liền lạc, ghe buôn đến đậu đông đảo.” Mục Từ Miếu ghi: “Đền cổ Giá Đà, ở huyện Kiên Giang, nguyên trước gọi là miếu Hội đồng…

Đền cổ Bắc Đế, Đền Nguyễn Văn Điểu

Đền cổ Bắc Đế Ở Kiên Giang, phía tả Lạch Giá.

Đền Nguyễn Văn Điểu: Ở địa phận xã Vân Tập, huyện Kiên Giang. Ông Nguyễn Văn Điều, nguyên Quản cơ Vĩnh Long, năm Minh Mạng thứ 21 (1840) ông đi bộ vụ bắt giặc bị trận vong. Ông được tặng chức Phó Quản cơ và thường có hiển linh. Nên năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) người nơi ấy lập đền thờ.”

Cổng Tam Quan

Xưa kia, phía Bắc chợ Rạch Giá là vùng đất hoang vắng, nhiều nơi đất bị ngập nước khá sâu; thú dữ thường lui tới…Người Việt và nhất là người Hoa ở xung quanh chợ Rạch Giá chỉ chuyên lo buôn bán, cuốc rẫy trên đất giồng. Cũng có nhiều người Việt, người Khmer ở ngoại vi chợ làm ruộng.

Sau đó, chợ Rạch Giá có bước phát triển, dần dần trở thành một hải cảng, quy tụ cư dân, thuyền bè từ Hải Nam (Trung Quốc), Tân Gia Ba (Singapore), Xiêm (Thái Lan)…ra vào tấp nập. Tả ngạn của Rạch Giá là làng Vĩnh Huề (Vĩnh Hòa) với chợ búa, phố xá, chùa chiền sầm uất. Bên cạnh làng Vân Tập với số đông cư dân làm nghề rẫy. Hữu ngạn Rạch Giá là làng Thanh Lương nằm trên giồng đất cao; rừng chạy dọc theo biển, ở đây có khá đông người Khmer cư ngụ.

Cổng Tam Quan Rạch Giá Kiên Giang

Đến với thành phố Rạch Giá du khách đi qua Cổng Tam Quan nằm trên đường Nguyễn Trung Trực. Đây là một công trình kiến trúc đẹp, mang đậm nét văn hóa cổ truyền Việt Nam. Đây cũng là một kiến trúc đặc biệt đã trở thành biểu tượng của tỉnh Kiên Giang.

Những di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc, bảo tồn – bảo tàng đã được chính quyền và nhân dân thành phố trùng tu, tôn tạo để du khách đến Rạch Giá có thể hiểu cảm nhận được lịch sử truyền thống mở đất và giữ đất của nhân dân qua các thời kỳ.

Lễ hội truyền thống ở Rạch Giá

Đặc biệt, lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực. Lễ hội diễn ra vào các ngày 26, 27 và 28 tháng Tám Âm lịch hàng năm.

Lễ hội thu hút trên 800 ngàn lượt du khách hành hương khắp các nơi đến dâng hương. Cùng tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng lễ hội.

Lễ hội là dịp giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh nhà. Xúc tiến, đầu tư, phát triển kinh tế vững mạnh cho thành phố.

Tôn giáo chính ở trong Rạch Giá

Thành phố có 5 tôn giáo chính gồm: Phật giáo (Nam tông và Bắc tông); Cao Đài; Thiên Chúa giáo; Tin Lành; Hòa Hảo và một số tôn giáo khác.

Rạch Giá là điểm lý tưởng để khách du lịch dừng chân, lưu trú và tham quan các di tích. Có các khu vui chơi giải trí tại công viên Văn hóa An Hòa, Siêu thị Citimart, Co.op Mart, Metro…

Có hệ thống đường không với sân bay Rạch Giá. Đường bộ có Bến xe Rạch Giá. Đường biển có Bến tàu biển Rạch Giá… Rất thuận tiện cho du khách đi đến các danh lam, thắng cảnh du lịch trọng điểm trong tỉnh như: Phú Quốc, Kiên Hải, thành phố Hà Tiên, Kiên Lương và U Minh Thượng.

Tỉnh Kiên Giang còn rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng. Đặc biệt hệ thống biển đảo ở tỉnh Kiên Giang được ví như thiên đường của Châu Á. Hãy khám phá một số địa danh không thể bỏ qua khi đi du lịch Kiên Giang tại đây.

Nguồn: taucaotoc.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *