Nhà giá rẻ – dễ dàng rơi vào bẫy lừa đảo

428
Nhà giá rẻ - được hời hay bị lừa đảo?

Hiện nay, thị trường bất động sản đang rất sôi động với nhiều loại hình kinh doanh. Mua nhà giá rẻ cũng là một hình thức rất phổ biến. Nhiều người thường lựa chọn những ngôi nhà giá rẻ bởi nó giúp họ giảm đi áp lực kinh tế và nội thất vẫn khá ổn. Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn được cho mình một căn nhà như ý. Không những vậy, họ còn dễ bị rơi vào bẫy của người bán. Vậy vấn đề này là như thế nào? Cần giải quyết ra sao? Bạn hãy cùng diaockiengiang.net tìm hiểu xem nhé!

Hoàn toàn có thể rơi vào cảnh trắng tay khi mua nhà giá rẻ

Nhà giá rẻ đang là xu hướng được nhiều người lao động chọn lựa trên thị trường. Lượng dân nhập cư vào các trung tâm thành phố lớn tăng lên mỗi ngày. Vì vậy, nhu cầu về chỗ ở cũng theo đó mà tăng cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng chi trả một số tiền lớn cho tiền nhà hàng tháng hay một ngôi nhà cao sang. Và giá nhà đất đắt đỏ chính là nguyên nhân khiến thị trường “nhà giá rẻ” sôi động.

Hoạt động lừa đảo tinh vi

Chuyển nhượng bằng vi bằng

Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, chỉ có giá trị ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp luật khác.

 

Ở một số địa phương nổi bật như Quận 12, Hóc Môn, Củ Chi,… nhiều khách hàng rơi vào trường hợp bị ngân hàng siết nợ khi mua đất vi bằng. Nguyên nhân là do mua phải “nhà giá rẻ” đang trong tình trạng thế chấp ngân hàng và người bán không có đủ năng lực trả nợ.

 

Đó là chưa kể có 3 – 4 người mua chung một số nhà, chung 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung 1 giấy phép xây dựng,… Nhiều khách hàng vẫn lầm tưởng Thừa phát lại Vi bằng tương đương với một văn bản công chứng. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, nó không xác nhận tính hợp pháp của các hợp đồng, các giao dịch về nhà đất.

Để tránh trường hợp “cò” bắt tay với Thừa phát lại lập Vi bằng để che dấu mục đích không phù hợp với quy định của Pháp Luật, khách hàng nên tìm hiểu kỹ điều này trước khi chọn mua nhà.

Dùng giấy tờ tay để mua bán nhà

Những căn nhà giấy tay thông thường có giá rẻ chỉ bằng 50-60% giá thị trường. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là những căn nhà vướng quy hoạch, chưa chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, pháp lý không rõ ràng,… Trong trường hợp không lên được thổ cư hay nằm trong khu đất quy hoạch giải tỏa thì khách hàng khó có thể lấy lại tiền.

Nếu đã chấp nhận mua giấy tờ tay, chung chủ,… thì khách hàng nên yêu cầu những người có tên trên chủ quyền (đồng sở hữu) phải ký giấy tờ mua bán hoặc ủy quyền qua công chứng. Trên hợp đồng ràng buộc các cam kết, điều lệ về tranh chấp cũng như việc bồi thường thiệt hại,…

Dù mua của anh em, người thân, họ hàng,… thì cũng không nên ham rẻ mà mua nhà giấy tay. Điều này không chỉ tiềm ẩn những rủi ro khi tranh chấp tài sản thậm chí “mất trắng”.

Lừa đảo bằng sổ đỏ giả

Trên Internet tràn lan những quảng cáo về dịch vụ in sổ đỏ giả dùng phôi giả, chữ ký giả,…. Nhiều kẻ lừa đảo đã lợi dụng sơ hở này để chiếm đoạt tài sản khách hàng.

Đầu năm 2019, nhiều vụ tráo sổ đỏ đã được rất nhiều cơ quan truyền thông đưa tin. Đó là những trường hợp chủ nhà làm sổ đỏ giả để bán cho khách hàng. Hoặc kẻ lừa đảo là người đi mua nhà. Họ yêu cầu chủ nhà cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản chính, giấy tờ liên quan. Họ xin chụp lại, rồi làm sổ giả. Khi họ quay trở lại họ thể hiện mong muốn mua nhà, muốn xem lại sổ đỏ 1 lần nữa. Lúc này thì họ canh sơ hở để đánh tráo sổ giả lấy sổ thật.

Sổ đỏ rất dễ bị làm giả

Đó là chưa kể những khách hàng đăng hình ảnh, sổ sách,… căn nhà giá rẻ lên các trang mạng xã hội để đăng bán. Nhiều kẻ gian sẽ lợi dụng thông tin công khai trên để làm sổ đỏ giả. Sau đó, họ đề nghị gặp chủ nhà để thực hiện hành vi đánh tráo.

Theo quy trình, họ còn tiếp tục làm giả các giấy tờ tùy thân liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như CMND, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn,… Họ sẽ nhờ nhiều người đóng giả chủ đất để làm hợp đồng uỷ quyền. Người được uỷ quyền dễ dàng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang người thứ 3. Đó là cách để người được ủy quyền thu nguồn lợi bất chính.

Cách nhận dạng sổ giả thông thường là: màu sắc sổ, dấu Quốc Huy lồi,…

Lời khuyên để tránh trường hợp này là chủ nhà khi rao bán mà có người đến thỏa thuận thì nên photo sổ đỏ sẵn để cho khách coi chứ không nên dùng sổ chính. Liên tục cảnh giác nếu người mua có biểu hiện không trung thực.

“Thả con săn sắt, bắt con cá rô”

Đó là trường hợp nhiều chủ nhà rao bán căn nhà giá cao hơn thị trường từ 200-500 triệu. Trường hợp này thường xảy ra khi bạn đến hỏi mua và phân vân khi ra quyết định. Ngày hôm sau sẽ có người giả làm khách hàng thứ 3 đến gặp bạn để hỏi mua lại căn nhà đó với giá cao hơn bất ngờ. Họ thiện chí tới mức sẵn sàng cọc cho bạn 20-50 triệu để giữ chân. Bạn sung sướng khi sắp bắt được “quả ngọt”, liền thanh toán tiền với chủ nhà. Và rồi sau đó bạn mới nhận ra mình đã bị lừa.

Vậy nên nếu bạn đang phân vân có nên mua hay không trước một căn nhà mà có người đã đến gặp bạn để muốn mua chênh lệch thì bạn đừng vội mừng. Hãy cẩn trọng để đừng rơi vào “bẫy”.

Vướng vào những ngôi nhà bị thế chấp

Đó là trường hợp sổ đỏ đang bị thế chấp tại ngân hàng nhưng vẫn được chủ nhà rao bán rộng rãi các kênh truyền thông. Chủ đất với mong muốn lấy tiền từ khách để giải chấp và kiếm lời. Tuy nhiên khoản thời gian từ khi chủ đất nhận tiền của bạn cho đến khi hoàn tất các thủ tục bên ngân hàng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bạn thì rất nhiều rủi ro.

Nhà thế chấp

Tốt nhất, bạn không nên thanh toán 100% số tiền khi chưa hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng theo quy định.

Làm gì để khắc phục tình trạng trên?

Thông qua những hình thức lừa đảo tinh vi trên, dưới đây là tổng hợp những cách phòng tránh khi lựa chọn mua nhà giá rẻ:

Người mua cần coi đầy đủ giấy tờ pháp lý liên quan như sổ đỏ, phiếu thu đóng thuế,… Không nên mua nhà qua Vi Bằng, giấy tay,… Điều này sẽ giúp tránh trường hợp bán cho nhiều người hoặc cầm cố ngân hàng.

Không giao tiền 100% giá trị nhà khi chưa hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng.

Tránh cho người khác tiếp xúc với sổ đỏ bản chính.

Kiểm tra thật kỹ các thông tin trên hợp đồng mua bán nhà đất.

Kiểm tra quy hoạch khu vực.

Nếu không may rơi vào những trường hợp lừa đảo trên thì khách hàng nên ngay lập tức gửi văn bản đến các Văn phòng đến chi nhánh đăng ký quyền sử dụng đất, UBND, Chi cục thuế,… yêu cầu ngăn chặn tất cả những giao dịch liên quan tới số nhà xxx đó. Liên hệ tới những văn phòng công chứng hoặc tòa án công chứng để hủy hợp đồng uỷ quyền (nếu có) kèm thư tố cáo tố giác.

Một vài điều cần lưu ý

Mua nhà giá rẻ dù để ở hay để đầu tư thì cũng phải  cần quan tâm đến chất lượng công trình, nhất là những dự án nhỏ lẻ. Nhiều cá nhân tự xây tự bán, giá luôn rẻ hơn thị trường từ 20-30%. Nhưng khi ở 1-2 năm thì bắt đầu xuất hiện rạn nứt, ố màu, xuống cấp,… Điều này rất bất lợi cho cuộc sống sau này của chính bạn.

Xuất hiện nhiều “ông thầu” chuyên thu mua nhà nát và hô biến nhà nát thành nhà mới. Và chỉ trong thời gian ngắn, họ sẽ rao bán nó với giá lý tưởng. Nhiều người mua khi dọn vào ở mới tá hỏa nhận ra thì đã quá muộn. Bán ra thì mất giá, ở cũng không xong.

Khi đứng trước những sản phẩm nhà giá rẻ bạn nên tham khảo và nắm giá thị trường. Sẽ không có “mồi thơm” giá vừa rẻ, vừa chất lượng cao mà mà pháp lý “sạch sẽ”. Sẽ luôn có những kẽ hở, chiêu trò để những kẻ gian luồn lách. Vì vậy tốt nhất là nên mua đúng giá nhưng an toàn còn hơn “mất trắng”.

Nhu cầu về chỗ ở tăng lên khiến thị trường bất động sản có nhiều biến động. Đặc biệt là sự tràn lan của các dự án nhà giá rẻ thu hút khách hàng. Tuy nhiên người mua cần tìm hiểu kỹ và cân nhắc trước khi xuống tiền để tránh “mất tiền oan”.

Chúng tôi vừa điểm qua những lỗi dễ mắc phải khi mua nhà giá rẻ. Những hiện tượng đó không hề khó kiếm trong thị trường bất động sản hiện nay. Vậy bạn hãy cẩn trọng và có tinh thần cảnh giác cao khi mua nhà giá rẻ nhé!

Nguồn: tanhungreal.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *